HÀ NỘI NHỮNG NGHỀ ĐÃ MẤT !

LeHoan

Administrator
Nov 16, 2006
2,332
37
48
Hanoi
www.lehoan.net
Ngày xưa thời bao cấp vất vả ở Hà nội do cuộc sống khó khăn nên đã đẻ ra bao nhiêu nghề để người ta kiếm sống cũng như để phục vụ cuộc sống.
Đúng là :”cái khó nó ló cái khôn”, tất cả những gì có thể tận dụng được là người ta làm và cũng chỉ hy vọng kiếm được chút tiền để cải thiện cuộc sống.
Từ cái quần rách cũng “tích kê” lại, cái áo sơmi sờn cồ cũng lộn lại cho nên mới có những cái cửa hàng treo biển với dòng chữ : “Ở đây tích kê và lộn cổ” ở Hà nội mọc ra như nấm.
Ngày đó xe đạp là phương tiện và là tài sản nên được giữ gìn cẩn thận lắm, một chiếc xe đạp người ta dùng mấy chục năm không hỏng. Xích xe đi đã nhão nhoẹt nhưng người ta còn lộn lại, vành méo, lệch gọi là “sang vành” người ta đem cân lại cho nên mới có những hiệu sửa xe đạp kèm theo cái biển “cân vành, lộn xích xe đạp”.
Lốp xe hỏng phòi cả săm ra thì người ta buộc lại bằng chun nên gọi là “lốp cố vấn”, nếu không được nữa người ta không vứt đi mà còn đem đi đắp lại, săm thủng thì vá lại bằng keo cao su non và nếu vá nhiều quá người ta cắt hẳn đi và thay một đoạn săm cũ còn tốt ở cái săm khác vào gọi là “măng sông”, bởi vậy nghề sửa chữa xe đạp ngoài “cân vành, lộn xích” ra còn có “đắp lốp và măng sông”...

Ngoài ra ở Hà nội lúc đó còn có nghề bơm mực bút bi và bật lửa ga, khắp các phố chỗ nào người ta cũng thấy treo biển nhan nhản, cũng chỉ để kiếm vài đồng để đi chợ cải thiện bữa ăn. Người ta tiết kiệm từng cái ruột bút bi đến những cái bật lửa đã hết ga...thật khổ sở.

Ngày đó ở Hà nội còn có những nghề đi dạo, họ đi khắp các hang cùng ngõ hẻm để mời chào và rao hàng thí dụ như nghề mài dao kéo, hễ cứ nghe thấy tiếng rao :”ai dao kéo đê” tức là người ta nghĩ ngay đến ông mài dao kéo và mọi người vào trong bếp tìm xem có con dao nào cùng thì đem ra để ông mài dao kéo... mài.

Tiếp theo với cái nghề mài dao kéo đó là nghề cưa xẻ, vào những buổi trưa hè người ta hay gặp hai bác thợ xẻ vai đeo một cái cưa to và bộ đồ nghề miệng rao : “ai cưa xẻ đê” thì cũng lúc đó bọn trẻ con ở trong sân mồm lẩm bẩm:
“Kéo cưa lừa xẻ
Ông thợ nào khỏe về ăn cơm vua
Ông thợ nào thua
Về bú tí mẹ...”

1713082075600.png

1713082109272.png
Một nghề nữa mà trẻ con chúng tôi ngày đó rất ghét đó là nghề cắt tóc dạo, những ông thợ cắt tóc với những cái tông đơ bóp bằng tay kêu :”tạch... tạch...” sáng choang và sắc lẹm, khi ông ấy đến thường bị người lớn dọa : nếu không ngồi yên ông ấy sẽ cắt cả tai đi nữa. Thế là đứa nào cũng sợ dúm dó và ngồi im thin thít để ông ấy cắt...
Vào những ngày hè nóng bức khi lũ trẻ con nghe thấy tiếng còi :”bép...bép...” bóp từ những cái kèn hơi làm bằng những quả bóng cao su thì chẳng ai bao ai tất cả đứa nào cũng đứng dậy chạy theo cái ông bán kem dạo đó để xem vì... không có tiền.
1713082218598.png
Chao ôi... những cái kem cốm, kem sữa, kem schokola lạnh băng bốc khói nghi ngút được lấy ra từ trong thùng kem giữa buổi trưa hè nắng gắt, một cảm giác mát lạnh từ trong cổ họng chảy xuống và những ánh mắt thèm thuồng của những đứa trẻ... nghĩ đến bây giờ tôi cũng vẫn còn nhớ như in và không thể nào quên được.

Ngoài ra còn có những bác già, những chú bộ đội phục viên chăm chỉ ngồi ở góc phố dưới bóng mát của những cây bàng già nua hay bên những cái cột điện sơn đen xì để cặm cụi hàn dép nhựa hay hàn từng cái chậu tôn, những cái nồi nhôm bị thủng thật là thủ công và khéo léo...
1713082136073.png
1713082148011.png
Còn nhiều nghề nữa, nhiều lắm nhưng cuộc sống ngày nay đã thay đổi, kinh tế phát triển và đi lên, những nghề đó đã bị mất đi và không còn nữa.
Tất cả những cái đó giờ đây đã trở thành dĩ vãng và chỉ còn lại trong ký ức của mỗi người.
Mỗi khi tôi nhớ lại là tự nhiên trong tâm trí của tôi lại hiện lên như những thước phim sống động của một thời gian khổ, vất vả nhưng thấm đẫm tình người.
1713082261108.png
1713082203851.png
Tuệ Phong.
Ảnh St.